Quả bí đao là thực phẩm sử dụng phổ biến để chế biến món ăn hay các loại nước, giúp thải độc, thanh nhiệt cơ thể rất tốt. Bên cạnh đó nguyên liệu này sử dụng làm thuốc cũng mang đến nhiều lợi ích. Như hỗ trợ trị bệnh tiểu đường, viêm thận cấp tính, phù thũng hay trị viêm bàng quang, tiểu đục, tiểu buốt,…Như vậy để biết chi tiết những công thức hỗ trợ chữa trị một số bệnh từ loại quả này cũng như những thông tin hữu ích khác, hãy đọc bài viết tham khảo sau đây.
Đặc điểm, thành phần, công dụng của quả bí đao
Đặc điểm: Bí đao còn gọi là đông qua [Benincasa hispida (Thunb.) Cogn.], họ Bí (Cucurbitaceae). Đây là loại thân thảo, dây leo bằng tua cuốn. Thân phủ một lớp lông dài. Lá mọc so le, có cuống dài, mép có răng cưa, hai mặt đều có lông cứng. Hoa màu vàng, đơn tính cùng gốc. Quả thuôn dài, màu lục nhạt, khi còn non có lông cứng, sau màu lục sẫm, phủ một lớp sáp màu trắng mốc. Nhiều hạt, dẹt, màu trắng. Vị thuốc là phần thịt quả, sau khi loại bỏ lớp vỏ ngoài, bỏ ruột và hạt.
Thành phần: Phần thịt quả chứa carbonhydrat, protein, chất béo, cellulose, muối khoáng, trong đó có Ca, P, Fe, các vitamin B1, B2, PP, C, sitosterol, β – sitosterol acetate, lupeol, lupeol acetate. Phần vỏ quả có chứa chất sáp, chất nhựa và một chất triterpen: isomultiflorenol acetate. Hạt bí chứa các chất saponosid, a xít amin.
Công dụng: Từ lâu, bí đao đã là một cây được trồng vừa để làm thực phẩm vừa được dùng làm thuốc. Ở Việt nam, loại quả này được trồng ở hầu hết các vùng miền. Bí đao nấu canh ăn với tác dụng giải nhiệt, giải độc. Còn được dùng để chế biến mứt kẹo, nước uống, rất thơm ngon và bổ mát. Theo YHCT, bí đao có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, lợi niệu, tiêu phù thũng, tiêu viêm, chỉ thống, chống ho, tiêu khát. Hạt bí có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, hóa đàm, trừ mủ, giải độc, trừ giun.
Một số bài thuốc chữa bệnh
- Trị tiểu đường: bí đao 100g, củ mài 30g, lá sen tươi 60g. Sắc lấy nước uống 2 – 3 lần trong ngày. Hoặc bí đao, vỏ dưa hấu, mỗi vị 15g, thiên hoa phấn 12g. Sắc uống, ngày 1 thang.
- Trị viêm thận cấp tính, phù thũng: bí đao, rễ cỏ tranh, mỗi vị 30g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Trị ho do nhiệt: bí đao sắc nước, thêm mật ong, uống nhiều lần trong ngày.
- Trị viêm bàng quang, tiểu đục, tiểu buốt, dắt: bí đao 12g, sắc uống nhiều lần trong ngày.
- Trị ung nhọt ở phổi hoặc ở đại tràng, hạt bí đao sao vàng, bồ công anh, kim ngân hoa, ý dĩ (để sống), diếp cá, mỗi vị 40g, rễ cây lau 20g, đào nhân, cát cánh, cam thảo, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Lưu ý khi sử dụng quả bí đao
- Không ăn sống hoặc uống nước ép bí đao sống vì sẽ gây tác động xấu đến hệ tiêu hóa.
- Những người bị bệnh về dạ dày hay tính hàn không nên dùng bí đao.
- Phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều bí đao. Đối với trẻ em và phụ nữ vừa mới sinh xong, hệ tiêu hóa còn yếu nên vào mùa đông, cần cân nhắc đối với bí đao vì có thể gây khó tiêu.
- Không ăn bí đao cùng giấm (sẽ bị giấm triệt tiêu các chất dinh dưỡng) hoặc đậu đỏ (vì làm tăng lượng nước tiểu đột ngột gây mất nước).
Trên đây là bài viết về thành phần và công dụng của bí đao cho bạn đọc tham khảo. Hi vọng bạn có thể tìm hiểu và áp dụng vị thuốc tốt này trong việc cải thiện sức khỏe. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều thông tin hữu ích nhé.