Đậu đỏ hay xích tiểu đậu được trồng phổ biến ở các tỉnh phía nam, là loại hạt giàu chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, được sử dụng để chế biến nhiều món ăn như cháo, canh, chè hay các loại nước uống,…Theo y học cổ truyền thì nó còn có tác dụng hỗ trợ trị bệnh tiểu đường, trị chứng chảy máu hậu môn, mụn nhọt sưng đau,…Với bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ cung cấp cho độc giả thông tin về đặc điểm, thành phần, công dụng, những lưu ý cần biết và những bài thuốc sử dụng loại đậu này để hỗ trợ trị bệnh, hãy tham khảo nhé.
Đặc điểm, thành phần, công dụng của hạt đậu đỏ
Sau khi thu hái lấy quả, phơi khô, đập mạnh cho hạt tung ra, sàng sảy lấy riêng hạt. Hạt đậu đỏ có hình bầu dục, hai đầu hơi dẹt, dài độ 3 – 4 mm, đường kính khoảng 1,5 – 2mm, màu hồng thẫm. Đậu đỏ không những là một loại thực phẩm quý giá mà còn là vị thuốc hay.
Đậu đỏ rất giàu chất dinh dưỡng, như carbonhydrat, protein, lipid, các vitamin nhóm B (B1, B2), các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể: Fe, Ca, P…Ngoài ra, còn có các thành phần hóa học khác, như sắc tố, phytosterol, các saponin tritecpenic…
Theo YHCT , đậu đỏ được dùng để trị nhiều bệnh thường gặp. Như bệnh đường ruột, đau dạ dày, tả, lỵ, đầy trướng bụng. Bệnh đường tiết niệu, tiểu ngắn, đỏ, tiểu buốt, dắt. Bệnh gan, mật hoặc mụn nhọt. Có thể sử dụng đậu đỏ dưới dạng canh thang đậu đỏ, đậu đỏ với ý dĩ, hoặc đậu đỏ với đại táo, ăn thường xuyên.
Bài thuốc sử dụng hạt đậu đỏ để trị bệnh
- Trị bệnh tiểu đường: Đậu đỏ, đậu xanh, ý dĩ, mỗi vị 40g, nấu cháo ăn, tuần 2 – 3 lần. Đậu đỏ (có thể ủ lên mầm), nấu với dạ dày lợn, tuần 2 – 3 lần ăn.
- Trị chứng chảy máu hậu môn trước khi đại tiện: Đậu đỏ ủ cho nhú mầm, lấy ra phơi khô, đương quy, đồng lượng. Đương quy nên lấy phần phía đầu rễ (quy đầu). Vì quy đầu có tác dụng cầm máu. Đem đương quy thái phiến mỏng, sấy khô ở nhiệt độ ≤ 600 C. Cả hai đều tán thành bột mịn, trộn đều, ngày dùng 1 – 2 lần, mỗi lần 6g.
- Trị trĩ chảy máu và đại tiện ra máu: Đậu đỏ 20g, hòe hoa thán 12g, đương quy 8g. Sắc lấy nước, trước khi uống. Nhân lúc còn nóng có thể cho vào 4g cao da trâu, quấy đều cho tan để uống.
- Trị mụn nhọt sưng đau: Đậu đỏ 20g, hoàng bá nam (vỏ núc nác), ngưu tất, kim ngân hoa, bồ công anh, đơn lá đỏ. Mỗi vị 12g, sắc uống, ngày một thang.
Những lưu ý khi sử dụng
Đậu đỏ là nguồn nguyên liệu có chứa hàm lượng lectin cao nhất trong tất cả các loại đậu. Lectin là chất rất dễ gây ngộ độc nhất là khi dung nạp với liều lượng lớn.
Chính vì thế, khi dùng vị thuốc này, bạn cần sơ chế để loại bỏ lectin bằng cách ngâm với nước trong 3 – 5 giờ. Tuyệt đối không sử dụng đậu ở dạng sống và chú ý thời gian nấu đậu phải từ 10 phút trở lên. Một số triệu chứng ngộ độc đậu đỏ thường gặp là nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng dữ dội…
Những thông tin về dược liệu đậu đỏ mà bài viết cung cấp chỉ có giá trị tham khảo. Mặc dù đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng bạn cũng cần bổ sung đậu đỏ đúng cách. Trước khi sử dụng những bài thuốc có đậu đỏ. Cần trao đổi với bác sĩ để nhận tư vấn chuyên môn.